Jefferson Kinsman - Nguyễn Tiến Đạt (dịch) 21 Tháng Năm 2021

Tại sao chơi gôn thì được chấp nhận, mà chơi trượt ván thì lại không?

 

“Phát triển” là một thứ khá là buồn cười. Vào những năm 90, tôi khi đó làm quản lý buổi đêm tại một khách sạn nằm bên cạnh Quảng trường Lincoln, trên phố Swanston, ngay sát mép khu vực trung tâm thành phố Melbourne. Những vị khách sẽ vừa càu nhàu vừa tới nhấn chiếc chuông trên bàn tiếp tân, phàn nàn về lũ trẻ ở công viên bên dưới khi chúng cứ hàng đêm tụ tập uống rượu ồn ào, và gầm rú động cơ những chiếc xe của chúng. Thường thì vài phút sau, ánh đèn nhấp nháy của xe cảnh sát sẽ dọa cho đám đông ồn ào đó biến mất vào bóng tối. Rồi một tiếng sau đó, những tiếng tụ tập và gầm rú động cơ sẽ lại quay trở lại.

Dần dần, gờ giảm tốc được xây, những biện pháp ngăn cản khác được thiết lập, và những tiếng đám đông tụ tập gầm rú xe cộ biến mất dần.


Giờ đã là 2016, và những người trẻ giờ đây lại đang tiếp tục một lần nữa bị đuổi ra khỏi công viên - lần này là vì họ tập chơi trượt ván một cách yên bình, tại một khu tưởng niệm mà cộng đồng bọn họ tôn là “sân trượt ván xịn nhất cả nước”. Phương pháp ngăn cản bọn họ rất đơn giản: chi hàng triệu đô-la tiền thuế để xây dựng lại đài tưởng niệm và tất cả khu vực xung quanh nó. Tôi đoán chắc đây cũng là “phát triển”.

Nhưng có một điều tôi không hiểu nổi: tại sao chơi gôn (thú vui của tầng lớp giàu nhất trong giới trung lưu) thì được chấp nhận, trong khi trượt ván (thú vui của những người trẻ thiệt thòi đã bị tước đi nhiều quyền lợi) lại không?

Cứ bước đi dọc vùng ngoại thành ven con sông Yarra, bên cái dòng nước đang tù đọng trong cái nắng nóng của mùa hè hết sức khô này, và bạn sẽ khó mà không để ý thấy những đường ống nước sơn đen khổng lồ đang bơm nguồn nước công cộng vào cho các sân gôn. Nhưng không thấy ai vội vàng lo xây dựng lại vùng ven bờ sông thiêng liêng quý giá này để ngăn cản các tay gôn tụ tập chơi gôn trên đó cả.

Có một điều nữa cũng khó hiểu không kém, đấy là ham muốn nhiệt thành đến kỳ lạ của một số lãnh đạo địa phương trong việc muốn tống cổ các tay trượt ván khỏi Đài tưởng niệm Bali trong Quảng trường Lincoln. Người Australia chúng ta đổ xô vội vã đi tưởng niệm những người đã ngã xuống khi họ đang thể hiện quyền được khiêu vũ và quyền được làm những việc tự nhiên khác của người trẻ. Vậy mà giờ đây, chúng ta đang thoải mái lãng phí công của quý giá để phá hủy đi một môi trường tuyệt đẹp, thay vì cải tạo và duy trì nó, chỉ vì người trẻ thời nay cũng đang thể hiện quyền được tụ tập, được sống, trượt ván, và vui chơi của họ tại một nơi tưởng niệm.

Như nhà báo Vince Chadwick đã viết trên tạp chí Eureka Street vài năm trước đây, việc người ta trượt ván tại Quảng trường Lincoln thì có khác gì so với việc trẻ em được leo trèo lên đài tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại Berlin, hay việc các nhân viên Lầu Năm Góc ăn trưa trên đài tưởng niệm nạn nhân 11/9 tại Washington - những việc mà đều được chấp nhận và được phép tại các thành phố đó? Không biết được liệu các nạn nhân của vụ nổ bom Bali, nếu biết được, sẽ có gì để nói về những người trẻ trượt ván kia, những người mà hầu hết là cư xử rất thuận hòa với những cư dân khác trong 80 phần trăm còn lại của khu công viên? Chắc chắn là, mỗi khi có những vòng hoa được đặt lên đài phun nước trên khu tưởng niệm, thì cả những tay trượt ván cuồng nhiệt nhất cũng tôn trọng mà không lại gần.

Những công kích nhắm vào các tay trượt ván này được dẫn đầu bởi ngài Thị trưởng, ông Robert Doyle. Cứ nhắc đến tên ông này với rất nhiều người trẻ, và bạn sẽ thấy ánh mắt ngao ngán của họ - những đôi mắt đó rất có thể đang nhìn thấy hình ảnh của một tên bắt nạt trong trường học, hay một ông thầy giáo ghét trẻ con, ghét mọi thứ vui vẻ trên đời, và sống chỉ vì quyền lực và vì một không gian không còn “những đứa choai choai”. Những đôi mắt của họ có thể sẽ mang theo đến rất xa trong tương lai của thành phố Melbourne ký ức về một người đàn ông đã phá nát cả Quảng trường Lincoln, chỉ để không cho bọn trẻ được trượt ván.

Doyle cũng đúng khi nói rằng ông không phải là người duy nhất có chung ý kiến này. Giáo sư Roz Hansen đã được trích dẫn là miêu tả việc trượt ván ở công viên Lincoln như một “tình trạng vô chính phủ trong thành phố” ("urban anarchy"). Chứ không phải mới là vô chính phủ khi các bà mẹ và trẻ nhỏ độc chiếm rất nhiều khu sân chơi ngay đối diện khu ngoại thành Melbourne. Cũng không phải vô chính phủ khi hàng nghìn chiếc xe hơi của fan bóng đá kéo đến chiếm kín nhiều héc-ta đất của công viên quốc gia làm chỗ đậu xe, ngay tại Đông Melbourne mỗi mùa giải. Hoặc cũng không phải khi các huấn luyện viên yoga và thể dục ngoài trời trả tiền cho các các hội đồng lãnh đạo để được tổ chức các hoạt động thương mại của họ trong các công viên công cộng.

 

Rất có thể là ý kiến của bà Hansen, cũng như của ông Doyle, là không hoàn toàn công bằng. Dù sao thì bà cũng là một trong số các dân cư sống gần Công viên Lincoln. Quan điểm của bà đã lộ rõ tính thiên vị khi bà viết trong một bài báo cáo lên hội đồng địa phương là các tay trượt ván “bao gồm từ các cậu bé cho tới các thiếu niên nam, và cả các đối tượng nam giới đã trưởng thành”. Là một người có tên được nhắc đến trên trang chủ của Women's Leadership Institute (tạm dịch: Học viện lãnh đạo cho phụ nữ); làm thế nào mà bà ấy lại không nhận thấy số lượng đang tăng dần của trẻ em gái và cả các phụ nữ trẻ cũng đang trượt ván tại Quảng trường Lincoln?

Còn về tiếng ồn từ việc trượt ván, mà bà Hansen nói rằng các hàng xóm của bà có thể nghe được mỗi khi mở cửa sổ từ các căn hộ chung cư nội thành của họ, bà ấy hẳn chắc cũng phải biết đến (xét đến việc bà đã là một giáo sư về kiến trúc, xây dựng và thiết kế đô thị) về con số ngày càng tăng lên của những gia đình ở Melbourne đang không hề than phiền gì cả, dù cho họ có thể nghe thấy tiếng ồn từ giao thông hàng ngày từ phòng ngủ của họ, kể cả khi các cửa sổ đã đóng kín hết?

Vậy có phải cái chết của hoạt động trượt ván tại khu tưởng niệm tại Quảng trường Lincoln thực sự là một phần của “phát triển”? Hay nó là một sự dập tắt một đặc điểm đa thế hệ, đa sắc tộc nữa của thành phố? Chắc hẳn là các nhà lãnh đạo, những cư dân lớn tuổi tại địa phương, và báo đài đã không nhận thấy một cộng đồng tuyệt vời và hoàn toàn hòa thuận đang lớn dần lên trong Quảng trường Lincoln - một cộng đồng bao gồm cả các tay trượt ván gốc Phi, các tay trượt ván gốc Hoa, các tay trượt ván gốc Ấn, và cả các tay trượt ván gốc người thổ dân bản địa.

Melbourne có thể tự hào với danh xưng “Thành phố đáng sống nhất thế giới” của nó. Nhưng đáng sống với ai?

Trong khi đó, vào năm 2016, các máy chơi game như Playstations và Xboxes vẫn đang bán đắt như tôm tươi, hay như các căn hộ chung cư loại nhỏ ở khu vực nội thành. “Phát triển”, có vẻ là ít có liên quan đến hạnh phúc của người trẻ, mà liên quan nhiều hơn đến lợi ích của những người mà cách đây rất lâu đã được lớn lên trong một môi trường tốt lành hơn nhiều, và bây giờ thì đang nắm trong tay của cải và quyền lực.


Jefferson Kinsman là một giảng viên ngành nhân văn tại trường Melbourne Graduate School of Education

tin tức gần đây

Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Messager