TPG 29 Tháng Sáu 2019
Morgan Leichter-Saxby và Suzanna Law đang theo học Tiến sĩ Playwork tại Đại học Leeds Beckett (Anh); ngôi trường này gần đây đã bổ nhiệm Giáo sư Playwork đầu tiên trên thế giới. Giáo sư hướng dẫn của họ, Tiến sĩ Fraser Brown, diễn tả playwork như một thực hành “không phán xét, không định hướng và mang tính phản chiếu.” Chơi cũng cần có “ba yếu tố tự do” (three Frees) — trẻ em phải được tự lựa chọn cách mà các em muốn chơi, không mất tiền để được chơi, và tự do đến và đi bất cứ khi nào các em muốn. Chơi phiêu lưu có nhiều hình thức đa dạng, từ các không gian tự nhiên với nhà trên cây và pháo đài gợi nhớ đến câu chuyện của Huck Finn và Pippi Tất Dài, đến những sân chơi phế liệu đầy lốp xe cũ và rác nhựa, hay cả những buổi tụ tập sáng tạo nghệ thuật và thủ công. Một trong những thành phần quan trọng nhất của chơi phiêu lưu là các công nhân chơi (playworker) — đây là một nhóm người được tập huấn, có khả năng đặt niềm tin vào trẻ em và theo dõi sự tiến bộ và quá trình học tập của các em, cũng như là người lớn đóng vai trò hướng dẫn, quan sát và hỗ trợ chứ không phải can thiệp.

Hiện giờ Leichter-Saxby and Law đang đi vòng quanh thế giới để quảng bá cho Pop-Up Adventure Play, tổ chức mà họ sáng lập năm 2010. Được đăng ký dưới hình thức một tổ chức thiện nguyện, Pop-Up Adventure Play vận hành dựa trên niềm tin rằng “trẻ em có quyền vui chơi theo cách mà các em mong muốn, và một không gian hỗ trợ trẻ em chơi thì mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.” Khái niệm này nghe chừng chẳng có gì mới, nhưng một số người giờ đang nhận ra tính cách mạng của nó. Nhờ vào những giá trị ẩn sau việc chơi phiêu lưu, ngày càng nhiều người lớn nhận ra họ đang kìm hãm bản năng sáng tạo của con trẻ ra sao. Lần đầu tiên Leichter-Saxby đến sân chơi phiêu lưu, cô đã phải thốt lên rằng “bầu không khí nơi đây thật chẳng giống bất kỳ nơi nào khác trên trái đất.” Leichter-Saxby và Law trở thành các play rangers, một hình thức playwork đưa yếu tố vui chơi vào những cộng đồng cần nó. Càng làm nhiều, họ càng cảm thấy đây đúng là một điều nước Mỹ đang thực sự cần đến.


Các Playworker từ Tokyo Play kiểm tra sân chơi

Thông qua Pop-Up Adventure Play, họ muốn tạo ra một mô hình sân chơi phiêu lưu dễ tiếp cận cho mọi người và cung cấp những ý tưởng cơ bản để cộng đồng bắt tay vào thực hiện. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng bộ công cụ vui chơi miễn phí (Pop-Up Play Shop Toolkit and Resource Pack) của họ, và người mới bắt đầu thì có thể nhờ họ đưa một số lời khuyên. Hiện giờ, sân chơi pop-up, tức những dự án tạm thời nhằm tạo đòn bẩy cho các mục tiêu dài hạn hơn, đã có mặt tại khoảng 17 quốc gia. (TPG : Ở Việt Nam Think playgrounds và các đối tác đã tổ chức khá nhiều sự kiện chơi tự do bất ngờ xuất hiện trên phố như Playstreet, Playday, loose-parts play) Leichter-Saxby và Law đã quan sát nhiều quốc gia và khu dân cư và nhận thấy dù các chính phủ có thể đưa ra các sáng kiến khác nhau, họ cùng gặp phải một số vấn đề chung. “Ở Bogota, người ta nói rằng lực lượng dân quân đã tống các trùm ma túy ra khỏi cộng đồng, và giờ thì chẳng ai biết hàng xóm của mình là ai,” Leichter-Saxby nói. “Ở Park Slope, các bố mẹ luôn canh cánh nỗi lo về việc chăm sóc trẻ, chương trình giáo dục và thi cử; tụi trẻ con chẳng ra ngoài trời chơi, và cũng chẳng ai biết đến hàng xóm của mình. Trên khắp thế giới, các kỳ thi chuẩn hóa, liên kết xã hội lỏng lẻo, sự mất lòng tin vào không gian công cộng… là những mối lo chung. Những người dù có hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt lại kể cùng một câu chuyện: về những rào cản đối với chuyện vui chơi.”

Hai người phụ nữ này đã giúp tổ chức các sân chơi phiêu lưu pop-up ở bảo tàng, công viên, bãi đỗ xe, và những cửa hàng bỏ trống. “Chúng tôi đi đến tận nơi để gặp mọi người, chứ không yêu cầu họ đến gặp chúng tôi,” Law bảo. Các sân chơi phiêu lưu phát triển một cách tự nhiên để đáp ứng những nhu cầu thiết thân của một cộng đồng, có nghĩa là sẽ không có hai sân chơi nào giống hệt nhau. Đó là câu chuyện về những rủi ro gia tăng và nâng cao nhận thức. “Tôi nghĩ rằng ngày nay có nhiều người lớn cảm thấy sợ khi tụi trẻ chơi với lửa và những vật sắc nhọn — nhưng cái chính là họ sợ phải cho các em được thích gì thì làm nấy,” Law nói. Erin Davis là đạo diễn phim tài liệu ngắn về The Land, một sân chơi phiêu lưu tại Wrexham, Wales nổi tiếng bởi mức độ tự chủ hiếm thấy. Tại The Land, tụi trẻ có thể leo trèo vắt vẻo trên cây và nhóm lửa, rồi thoải mái dùng lưỡi cưa và búa, túm lại là tha hồ sáng tạo ra trò phiêu lưu cho riêng mình. Sở dĩ sân chơi này vận hành được là bởi The Land là một cộng đồng khá độc lập, cũng như các công nhân chơi đã loại bỏ trước các mối nguy hiểm thực sự như móng tay sắc cạnh bên cạnh những rủi ro kiểm soát được, và thường thì họ rất quen thuộc với tụi trẻ đến chơi. “Một sân chơi kiểu The Land sẽ không phải là một lựa chọn an toàn khi đặt ở một nơi như thành phố New York, nơi tụi trẻ có thể chỉ đến chơi một lần hoặc chỉ đến vào một buổi chiều theo sắp xếp của trường học,” Davis giải thích.

So với hàng trăm sân chơi trên khắp Anh và châu Âu, ở Mỹ chỉ có khoảng năm hay sáu sân chơi phiêu lưu. Trong số đó, sân chơi “cao cấp” nhất có sự kết hợp của cả những vật liệu di động và công nhân chơi có lẽ là Imagination Playground tại khu Manhattan. Được xây dựng năm 2010, sân chơi này không đi theo mô hình thông thường là sử dụng các thiết bị cố định mà có các mốp xốp to để tụi trẻ thoải mái di chuyển. “Điều khiến tôi thấy hứng thú là ý tưởng của playwork, và những gì người lớn cần đến để hỗ trợ việc vui chơi,” Davis kể về quãng thời gian thực hiện bộ phim. “Nó nhắc tôi nhớ rằng trẻ em có đủ năng lực để làm bất kỳ điều gì các em muốn; nhưng thường thì người lớn chẳng công nhận sự thông minh của các em — các em rất lanh lợi, khôn ngoan và sáng tạo khi có cơ hội thể hiện điều đó.” “Điều quan trọng là những đứa trẻ tự khám phá, thử nghiệm, mạo hiểm và tự khám phá bản thân — những gì các em thích và không thích — và tìm hiểu xem thế giới xung quanh vận hành và ảnh hưởng đến các em ra sao,” cô nói. Cả Anh và Scotland đều đã phát động các chiến dịch khuyến khích trẻ em chơi, nhưng tại Mỹ, playwork vẫn còn là một khái niệm mới và chưa có vị trí vững chắc trong xã hội. Theo Law, “điều cốt yếu là các ý định của người lớn vẫn can thiệp vào sự phát triển của vui chơi kiểu phiêu lưu tại Mỹ.” Người Mỹ có vẻ thích “những chiếc giỏ niềm vui được chọn lọc cẩn thận” ở trường mẫu giáo của tụi trẻ hơn là một sân chơi phiêu lưu lấm bẩn và hỗn độn.

Jeremiah Dockray và vợ, bà Erin Larsen, đang khởi xướng dự án Santa Clarita Valley Adventure Play ở khu dân cư Val Verde, cách thành phố Los Angeles 30 phút về hướng Bắc. Dockray tình cờ biết đến khái niệm chơi phiêu lưu khi đọc một bài báo từ rất lâu về trước, trong đó, sân chơi phiêu lưu được mô tả như một câu chuyện ngụ ngôn về tình trạng vô chính phủ. Tuy nghĩ rằng các sân chơi như vậy đã không còn tồn tại, ông rất hứng thú với khái niệm này và muốn đứa con trai năm tuổi của mình có được một trải nghiệm tương tự. Sau khi phát hiện và phải lòng một công viên bỏ hoang gần nhà đang được giảm giá, cặp đôi đã mua lại công viên này. Họ đăng ký tham gia một khóa học trực tuyến của Law và Leichter-Saxby, rồi áp dụng mô hình pop-up để tiếp cận cộng đồng dân cư của họ. Trong gần hai năm, cặp đôi tổ chức các sân chơi pop-up ít nhất một lần mỗi tháng. Họ cũng nỗ lực làm việc với các công viên địa phương, nhà chức trách và các trường công lập để đưa khái niệm chơi phiêu lưu vào trong trường học và giờ nghỉ giải lao. Hiện tại, vị trí cố định của sân chơi đang được xây dựng từng chút một. “Chúng tôi cố gắng không làm mọi thứ dồn dập quá để tránh làm ra điều gì không ai cần đến,” Dockray nói. “Cái mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện đơn giản là làm quen với càng nhiều gia đình trong khu vực này càng tốt.” Họ muốn tạo ra một không gian vật lý và tâm lý cho tụi trẻ, điều mà các em không được tiếp cận thường xuyên trong những môi trường khắt khe hơn. “Ý tưởng này là một phần của khu dân cư, để mọi người trông nom và giúp đỡ lẫn nhau, ngày này qua ngày khác, và tụi trẻ có thể đến và tạo ra những sắp đặt trò chơi của chúng trong nhiều tuần, nhiều tháng,” theo Dockray. “Tạo ra một sân chơi biến chuyển dần dần theo sự lớn lên của tụi trẻ — đó là một cái nhìn lãng mạn.” Phản hồi của cộng đồng nhìn chung rất tích cực, nhưng họ (Dockray và Larsen) vẫn đang tìm hiểu mối quan hệ đối tác với các cơ quan chính quyền và còn chưa xử lý đến khía cạnh pháp lý của dự án. Theo lời Dockray, các dữ liệu mà họ đưa cho các công ty bảo hiểm chỉ ra rằng sân chơi phiêu lưu nhìn chung an toàn hơn “mô hình sân chơi ‘bong bóng’ mà người ta nhân rộng hàng loạt ở khắp nước Mỹ, nơi trẻ em tưởng rằng các em không thể tự làm hại chính mình,” ông nói. “Khi vui chơi theo kiểu phiêu lưu, các em tập trung cao độ hơn, nên thực tế các em rất thận trọng và nhận thức rõ về cơ thể của mình và không gian xung quanh.” Công nhân chơi là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc vận hành một sân chơi phiêu lưu đúng nghĩa, Dockray nói, đây là lý do tại sao họ cần rất nhiều nguồn tài trợ. Họ mong muốn tạo ra một thứ gì đó để các công nhân chơi có thể kiếm sống được từ công việc giúp đỡ cộng đồng. Dự án của Dockray và Larsen được tài trợ bởi một số quỹ và đối tác, dù họ gặp phải khá nhiều quy định. Theo Dockray, xây dựng một sân chơi phiêu lưu thực ra sẽ dễ dàng hơn nếu như ngay từ đầu ta không gọi nó là một sân chơi. Nhờ công sức của các cá nhân như Dockray và sự hỗ trợ của các tổ chức như Pop-Up Play, playwork đang dần phổ biến hơn tại Mỹ. Có một Hội nghị Chơi (Play Symposium) giờ được tổ chức thường niên ở Ithaca, New York, nhưng chưa có trường đại học nào tại Mỹ cấp bằng cho ngành Playwork. Leichter-Saxby và Law hy vọng họ có thể khởi xướng một “cuộc cách mạng vui chơi.” Cuối cùng thì tất cả đều phụ thuộc vào câu hỏi: Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ việc kiểm soát và để tụi trẻ tự do định hướng bản thân hay không?

Dịch bởi Nhi Doãn 
https://www.atlasobscura.com/articles/playworkers-ph-ds-and-the-growing-adventure-playground-movement

tin tức gần đây

Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Messager