Tuệ Khanh 19 Tháng Bốn 2019

Chơi tự do chữa lành vết thương xã hội

Sân chơi phiêu lưu là nơi trẻ em được trải nghiệm những cảm giác “phiêu lưu" hơn ở các sân chơi thông thường. Tại đây các em có thể gặp phải các thử thách khó hơn một chút, khác thường hơn chút, hoặc được sử dụng các công cụ (xẻng, búa, cưa…) để tác động lên các vật liệu thiên nhiên (gỗ, nước, đất…) hay các vật liệu dùng trong sinh hoạt, một cách tự do, để tự khám phá thêm những điều mới mẻ, tự tạo ra không gian vui chơi, hoặc chỉ để chia sẻ niềm vui với các bạn khác.

Những khám phá “mới” này vốn không mới ở thế hệ ông bà, hay bố mẹ các em, khi không gian sống vẫn còn tạo ra rất nhiều cơ hội cho trẻ em tương tác tự do với môi trường xung quanh (như trèo cây, chơi ở bờ ao, tắm mưa…), nhưng ngày nay với trẻ em đô thị thì không còn tồn tại các không gian này nữa.

Vì thế sân chơi phiêu lưu đặc biệt cần thiết cho trẻ em đô thị, để cho các em một môi trường với các thử thách nhiều tính ngẫu nhiên hơn so với không gian đô thị cứng nhắc, để các em có thể trở nên mạnh mẽ, tự tin cũng đồng nghĩa là sẽ được “an toàn" hơn trong cuộc sống sau này.
 

“Cách đây 4 năm, lần đầu tiên chúng tôi được biết đến sân chơi phiêu lưu Hanegi do nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi chụp lại. Quá ấn tượng bởi những gì trẻ em Nhật được chơi khác xa với nước Nhật ngăn nắp đô thị hào nhoáng xuất hiện qua màn ảnh… Hollywood. Sân đất, các đồ vật hỗn độn, những đứa trẻ leo cây trèo lên mái nhà và tự đóng các thiết bị gỗ theo trí tưởng tượng của chúng. Đó là lúc Think Playgrounds cảm nhận được đây chính là mô hình sẽ có ở Việt Nam. Nhưng phải đến năm 2019, chúng tôi mới có cơ hội làm việc với Tokyo Play - một tổ chức đã kiến tạo nên những giá trị mà họ tin rằng, sẽ giúp Nhật Bản nhân văn hơn" - Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập tổ chức sân chơi Think Playgrounds chia sẻ.

Và, tại hội thảo về Sân chơi phiêu lưu được tổ chức tại trường Đại học Xây dựng mới đây, ông Hitoshi Shimamura - nhà sáng lập Tokyo Play đã đề cập về các vấn đề xã hội tại Nhật Bản giúp người nghe nhận ra rằng, quốc gia này cũng đã và đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực học đường, trẻ em bị quấy rối, nhiều em bị trầm cảm.
 

Hàng năm, tại Nhật Bản có đến 500 người trẻ tự sát, một con số đáng lo ngại. Đôi khi, chúng ta sẽ không thể tìm ra được câu trả lời vì sao, tại quốc gia tươi đẹp này, vẫn có những điều đáng buồn xảy ra như vậy.

Ông Hitoshi Shimamura cho biết, quả thực, dù chưa có một chỉ dấu cụ thể từ nghiên cứu khoa học thống kê mối liên hệ giữa các vấn đề trẻ em bị trầm cảm, bạo lực nhưng rõ ràng, hiện trạng xã hội quá nhiều sức ép như phải học giỏi, có công việc tốt... đang tạo nên một thế hệ sợ thất bại, phải sống theo ý muốn của người lớn.

Đó cũng chính là động lực giúp ông và đồng nghiệp tin rằng, mô hình sân chơi phiêu lưu là một cách để cho trẻ em thoát khỏi những căng thẳng trong đời thường mà nó phải đối mặt.

Mô hình sân chơi phiêu lưu dù đã có mặt tại Đan Mạch từ năm 1930 nhưng đến năm 1975 mới được du nhập vào Nhật Bản. Tuy nhiên chỉ trong vòng 40 năm, quốc gia này đã có 400 sân chơi phưu lưu, một con số kỷ lục khi trên thế giới chỉ mới có 1.000 không gian chơi thực sự để trẻ tự do như vậy.

 

Playworker: Người bảo vệ ký ức

Một điều đáng ngạc nhiên, dù lực lượng playworker tại Nhật rất chuyên nghiệp và hùng hậu nhưng họ rất tập trung vào thực hành thay vì tạo nên một tổ chức để cấp bằng và chứng chỉ, điều mà nước Anh đã thực hiện trước đó.

Ông Hitoshi Shimamura nhấn mạnh vào kinh nghiệm mà các playworker chỉ có thể có khi họ làm việc chăm chỉ hàng ngày tại sân chơi và dần dần nâng cao kỹ năng của mình hơn là chờ đợi có một tấm bằng xác nhận họ là playworker.

Vậy playworker là những người như thế nào? Quả thực không thể giải thích ngắn gọn, tuy nhiên họ có thể vừa được coi là những người công nhân chuẩn bị, kiến tạo môi trường chơi, bảo trì các thiết bị chơi, làm tất cả các công việc không tên tại sân chơi và cũng là một người bạn với những đứa trẻ theo một cách “không phán xét, không định hướng và mang tính phản chiếu” để đảm bảo “ba yếu tố tự do” mà trẻ em cần có. Đó là phải được tự lựa chọn cách mà các em muốn chơi, không mất tiền để được chơi, và tự do đến và đi bất cứ khi nào các em muốn
 

Những kỹ năng mà playworker cần có cũng vì thế là tổng hợp từ rất nhiều nền tảng. Bạn có thể là một thầy cô giáo, người trong chuyên môn giáo dục sớm, một nhà tâm lý học, một kỹ sư hoặc chính là bố mẹ. Mỗi nền tảng kiến thức sẽ là điểm mạnh của mỗi người và tất cả đều hướng tới việc đảm bảo sự tự do của trẻ thay vì tìm cách tác động, dạy dỗ, chỉ đạo cho mỗi đứa trẻ được chơi.

“Chúng tôi cũng đã từng được chứng kiến ông Hitoshi và các playworkers tổ chức sự kiện chơi di động tại công viên Conan Minato và học hỏi được rất nhiều. Bằng việc quan sát và dự đoán trước nhu cầu của một cậu bé muốn làm zipline, ông Hitoshi đã chuẩn bị sẵn thiết bị nhưng không hể chủ động làm trước. Chỉ đến khi chúng thực sư muốn, những playworker đã cùng bố mẹ (như tình nguyện viên) và lũ trẻ tổ sắp xếp một hệ dây trượt dã chiến. Cũng trong tình huống này chúng tôi cũng chứng kiến cách playworker xử lý với một em nhỏ cá biệt và sau đó mới biết, họ luôn lưu trữ một cách khoa học những em có ‘vấn đề' để dần dần tìm cách giúp các bạn nhỏ có được tâm lý thoải mái khi chơi. ” anh Đạt cho biết.

Tại Hội thảo, ông Hitoshi nhấn mạnh, playwrorker chính là hàng "tiền vệ" đối mặt với tình trạng bạo lực, quấy rối mà trẻ đối mặt. Chỉ khi bạn thực sự là bạn và được chúng tin tưởng, chia sẻ, bạn mới có thể chạm sâu vào được vào vấn đề của chúng. 

Khi bạo lực học đường xảy ra, chúng ta thường phẫn nộ với lũ trẻ hư và thương xót nạn nhân, chúng ta thường muốn trừng phạt, nhưng thực ra, chính những đứa trẻ bạo lực cũng là nạn nhân từ các chuỗi sự kiện trước đó. Bởi vậy, sân chơi phiêu lưu cũng chính là nơi mà người lớn có thể tìm ra câu trả lời, cách hàn gắn những vết thương không chỉ của cá nhân mà của thể cả cộng đồng.
 

Giống như Việt Nam, Nhật Bản cũng đã từng đối mặt với những khu dân cư biến mất để thay vào các toà nhà cao tầng. Kết quả cuộc khảo sát 5.500 hộ gia đình tại khu vực nông thôn của Nhật mà ông Shunichi Kambayashi chia sẻ tại Hội thảo Sân chơi phiêu lưu cũng cho thấy một điều tương tự đang xảy ra tại Việt Nam.

Nếu như trước kia, thời ông bà, trong một khu dân cư có cánh đồng, ao hồ, núi rừng, bờ biển, trẻ em đều có thể tung tăng chơi thì đến thời con cháu, chúng hầu như chỉ chơi ở trong nhà. Thời ông bà bố mẹ còn có bạn cùng khu xóm thì nay, chúng hầu như đơn độc. Chính bởi vậy, trong một xã hội hiện đại, những sân chơi phiêu lưu là cơ hội để các đứa bé thành phố được quay trở lại quá khứ đầy mạo hiểm của ông bà.

Những playworker là người bảo vệ ký ức đó để không gian chơi vừa đảm bảo loại bỏ các yếu tố nguy hại nhưng vẫn giữ được sự rủi ro cho mỗi đứa trẻ lớn lên, học cách sợ để vượt qua nỗi sợ, thất bại để vượt qua thất bại.

 

tin tức gần đây

Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Messager