Moina Fauchier-Delavigne, Le Monde 21 Tháng Chín 2018
"Bạn ấy chưa bao giờ đi chân trần trên cỏ và thấy như vậy là tuyệt vời" Caroline Guy kể lại ba năm sau. "Trong thế giới thông thường, người ta sẽ cảm thấy như vậy kể từ khi người ta bắt đầu tập đi, từ 1 tuổi". Thử nghiệm đã để lại ấn tượng mạnh với cô giáo tự học này, sau khi thử ở các trường học kiểu cổ điển, cô đã quyết định năm học tới sẽ mở một trường học trong rừng, phía Nam nước Pháp, với mô hình skovbornehaven của Đan Mạch, các trường mẫu giáo và các trẻ em dành phần lớn thời gian trong ngày ở ngoài trời.

Liệu có nhiều trẻ em ngày nay chưa bao giờ được chạm vào cỏ? Điều này có vẻ như đang trở nên phổ biến. Ngày nay, bốn trên mười trẻ em (từ 3 đến 10 tuổi), không chơi một chút nào ngoài trời trong suốt tuần lễ, theo một báo cáo công bố năm 2015 bởi Viện chăm sóc sức khoẻ (L'institut de veille sanitaire INVS). Và những đứa trẻ Pháp cũng đang được đi chơi ít đi. "Thời gian chơi ngoài trời đã bị loại trừ đi trong thời khoá biểu của trẻ em", Julie Delalande, nhà nhân loại học về trẻ em, tóm lược lại.

Trong không gian của một thế hệ, chúng đã phải quay về nhà. Trong tác phẩm "Last Child in the Woods" (Đứa trẻ cuối cùng ở trong rừng, 2005), nhà báo người Mỹ Richard Louv trích dẫn hai nghiên cứu. Theo nghiên cứu thứ nhất, từ trường đại học Manhattan ở New York, nếu 71% các bà mẹ từng chơi ngoài trời mỗi ngày khi họ còn bé, chỉ có 26% con cái của chính họ được làm như vậy. Nghĩa là gần ít hơn ba lần. Theo nghiên cứu thứ hai, của đại học Maryland, thời gian tự do hạnh phúc của trẻ em mỗi tuần đã giảm đi 9 tiếng trong vòng hai mươi lăm năm.

Khi chúng ta ngừng trèo cây và chơi trên cỏ, chúng ta ngừng tiếp xúc với thiên nhiên và "chúng ta mất liên kết với tất cả những gì nhạy cảm, với khứu giác của chúng ta, với cảm giác từ va chạm... Chỉ còn lại hình ảnh" Julie Delalande tiếc nuối nói. -"Phát triển năm giác quan là cần thiết với sự cân bằng của tất cả các cá nhân. Tác động của nó là hiển nhiên với sự cân bằng tâm lý và thể chất".

Louis Espinassous, nhà văn, nhà viết chuyện, nhà dân tộc học và nhà giáo về tự nhiên, đã đi cùng với trẻ em và người lớn trong hàng chục năm để lên núi. Ông sống trong thung lũng Ossau, trên dãy Pyrenee, xa với sự sôi động của các thành phố. Câu chuyện của Caroline Guy không làm ông ngạc nhiên. Ông có "đầy rẫy" các chuyện tương tự, ví dụ như cô gái 10 tuổi trong lớp đã khám phá, khi nhìn bầu trời qua cửa sổ, cho rằng những ngôi sao "trông như trong phim". Ông nhận thấy rằng bằng việc không cho trẻ em tiếp xúc với thiên nhiên, người ta cũng lấy đi của chúng các không gian và các khoảnh khắc để làm phong phú cho các giác quan của chúng. Sự xây dựng mối quan hệ với cơ thể đã bị ngược đãi. Chưa nói đến những cơ hội không còn của sự say mê.

Những nhận định này trùng hợp với những gì đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay : những đứa trẻ ở trong nhà quá nhiều bị béo phì và ngày càng dễ bị stress, bị trầm cảm... Hơn nữa, tật cận thị cũng ngày một nhiều lên, đặc biệt bởi sự thiếu tiếp cận với ánh sáng tự nhiên. "Ngày nay, trẻ em đang phát triển kém, các nghiên cứu đã chỉ ra. Và tình hình tệ đi", Beatrice Milletre nhận định, tiến sĩ tâm lý học và tác giả quyển sách "Le Burn-out des enfants" (Sự kiệt quệ của trẻ em, 2016)

Tất cả những gì đang giữ trẻ em ở trong nhà : sự hấp dẫn của các loại màn hình, sự đô thị hoá, sự an toàn, sợ bị kiện... Người ta cũng thường cáo buộc bố mẹ, quá bảo vệ. Người ta đề nghị giới hạn thời gian trước màn hình, nhưng một điều vẫn chưa được nói tới : "Việc nhốt trẻ em trong nhà sẽ an toàn hơn và kinh tế hơn là cho chúng ra ngoài trời. Bởi vì ở trong nhà thì đơn giản" Louis Espinassous giải thích. "Dù vậy, người ta biết đến sự quan trọng của một môi trường phong phú cho sự phát triển của trẻ em từ những nghiên cứu của các nhà giáo dục hàn lâm như Celestin Freinet và Maria Montessori".

Trong "Pour une éducation buissonniere" (Cho một nền giáo dục bờ bụi, 2010), Louis Espinassous nhắc đến một trào lưu không rủi ro, từ những năm 1970, ở trường học và trong các khu vui chơi. Tiến trình thực hành này đã dẫn đến "cả hai ngõ cụt" : bằng việc tước đoạt trẻ em khỏi tất cả các tiếp cận với nguy hiểm trong không gian tự nhiên, người ta đã lấy đi sự giáo dục về rủi ro; hơn nữa, người ta đã loại trừ đi tất cả hấp dẫn của loại hoạt động này và một cách logic dẫn đến việc xoá bỏ nó. Xu hướng này giữ trẻ em khỏi các khả năng để thử nghiệm các giới hạn của chúng, để bị ngã và để bắt đầu lại. Nó cũng ngăn cản sự tự tin vào bản thân, Beatrice Milletre ghi nhận : "Nếu người ta giải thích với một đứa trẻ rằng tất cả đều nguy hiểm, có nghĩa là nói với chúng không có gì chúng có thể làm được". Đó là sự không đảm bảo với khả năng của chúng.

Trong tác phẩm "Làm thế nào để nuôi dưỡng một đứa trẻ hoang dã trong thành phố" (2016), nhà sinh thái học người Canada Scott Sampson giải thích việc làm sao để xây dựng mối quan hệ này với thiên nhiên : khi một đứa trẻ chơi ngoài trời, thiên nhiên mang đến cho em bé các thách thức khác nhau, em có cơ hội để đưa ra các quyết định, để giải quyết các vấn đề. Cuối cùng em sẽ ít sợ hãi hơn khi mắc sai lầm, điều khiến em trở thành một người học hỏi tốt nhất. Các hoạt động thể chất ngoài trời cũng đóng góp vào việc phát triển các thái độ xã hội của trẻ em và khuyến khích làm việc nhóm. Ai cũng biết rằng thiên nhiên làm dịu đi sự tức giận, nhưng người ta ít biết rằng nó còn giúp cho sự tập trung. Một nghiên cứu kết luận rằng khi một lớp học được tổ chức ngoài trời, cạnh một cái cây, các học sinh sẽ tập trung hơn và người hướng dẫn sẽ thanh bình hơn. Alexandre Dumas đã công thức hoá hoàn hảo điều này từ thế kỷ XIX : "Trẻ em cần được sống ngoài trời, đối diện với thiên nhiên thứ làm cho cơ thể mạnh mẽ, làm cho tâm hồn thơ mộng và khơi gợi trong các em một sự tò mò quý giá cho giáo dục hơn tất cả các ngữ pháp ở trên đời".


Giáo dục trong môi trường tự nhiên đã bắt đầu trong các trường học từ năm 1977 nhưng, bốn lăm năm sau, người ta chỉ nhắc đến giáo dục trong sự phát triển bền vững; từ "môi trường" đã biến mất ở trên tít. Về phần thiên nhiên, người ta không tìm thấy dấu vết trong các chương trình ở trường mầm non. Ở các bộ, điều này còn xa với các ưu tiên. Như vậy gần như không thể tìm ra một người để trả lời các câu hỏi về chủ đề này, không cả về các lớp học xanh, đang dần biến mất vì lý do tài chính. Tất nhiên là có một vài nhóm giáo dục đã bắt đầu các sáng kiến : cho trẻ em ra ngoài, mang thiên nhiên vào trong trường học, sắp đặt các khu trồng rau, nuôi gà.. "Nhưng chúng luôn ở bờ vực bị xoá bỏ", Julie Delalande nói. Louis Espinassous dù vậy cho rằng "Trẻ em trong xã hội chúng ta sẽ được cứu thoát bởi các hành động phức tạp trong một môi trường phức tạp. Rõ ràng cần thiết phải cho chúng ra ngoài" Từ năm mươi năm nay, các khu bảo tồn thiên nhiên đã được nhân lên, nhưng vẫn không đủ để giữ được tự nhiên. Anne Caroline Prevot, nhà sinh thái, nhà nghiên cứu ở CNRS của Bảo tàng lịch sử tự nhiên, giải thích : "Trẻ em cần được chơi trong thiên nhiên : được khám phá một cách tự do, không ép buộc, được cảm nhận, được sờ chạm... Cần thiết để tự nhiên trở thành một phần của danh tính cá nhân. Các trải nghiệm sớm này cũng là căn bản như các nhận thức. Người ta chỉ bảo vệ cái gì người ta yêu quý. Nếu thiếu điều này, lý thuyết không dùng làm gì cả"

Người dịch: Kim Đức
Nguồn:https://www.lemonde.fr/idees/article/2018/05/04/on-a-coupe-les-enfants-de-la-nature_5294128_3232.html

tin tức gần đây

Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Messager